𝗛𝗢𝗔̣𝗧 Đ𝗢̣̂𝗡𝗚 𝗧𝗥𝗔̉𝗜 𝗡𝗚𝗛𝗜𝗘̣̂𝗠 𝗖𝗛𝗔̀𝗢 𝗠𝗨̛̀𝗡𝗚 𝟳𝟗 𝗡𝗔̆𝗠 𝗧𝗛𝗔̀𝗡𝗛 𝗟𝗔̣̂𝗣 𝗤𝗨𝗔̂𝗡 Đ𝗢̣̂𝗜 𝗡𝗛𝗔̂𝗡 𝗗𝗔̂𝗡 𝗩𝗜𝗘̣̂𝗧 𝗡𝗔𝗠 22/12/2023

Chào mừng 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 34 năm ngày hội quốc phòng toàn dân 22/12. Nhằm ôn lại truyền thống hào hùng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam và giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Trường THSPNA tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế vào ngày 20 – 21/12/2023 tại đơn vị Trường quân sự Quân Khu 4 và Bảo tàng Quân Khu 4.

Dù thời tiết buổi sáng sớm khá lạnh nhưng không ngăn được sự hứng thú và háo hức lên đường đi trải nghiệm khám phá của các con. Tại Bảo tàng quân khu 4, sau Lễ chào cờ, thực hiện Nghi thức Đội và dâng hoa trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, các con đã được tham quan hệ thống trưng bày Bảo tàng Quân khu 4 để tìm hiểu nội dung theo chủ đề và tham gia hoạt động chơi: Theo dòng Lịch sử; Hành trình bí mật; Đi tìm ẩn số; Vượt qua tuyến lửa.

Hoạt động Theo dòng lịch sử giúp các  tìm hiểu về Quân khu 4 – mảnh đất, con người và truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Quân khu 4 vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, đã phải chứng kiến những thời khắc khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến mà nhân dân ta đã trải qua. Qua đó, khơi gợi cho các con lòng yêu quê hương đất nước và niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha anh trên mảnh đất Quân khu 4 anh hùng. Đồng thời nâng cao ý thức xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp hơn, đồng thời giúp học sinh ghi nhớ, tổng hợp kiến thức sau khi tham quan trưng bày của Bảo tàng Quân khu 4.

Hoạt động Hành trình bí mật với mong muốn giúp các con hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả, gian nan trong quá trình mở đường, hành quân, chi viện… cho chiến trường miền Nam của các chiến sĩ năm xưa, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc khảo sát mở đường Trường Sơn (5/1959) được thực hiện với nguyên tắc tuyệt đối bí mật. Trong “Hành trình bí mật” đầy khó khăn, vất vả ấy, khẩu hiệu hành động “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã trở thành “kim chỉ nam” để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Ở hoạt động này, học sinh được hóa thân thành những chiến sỹ giao liên nhận nhiệm vụ “truyền mật thư”, di chuyển theo những hình bàn tay, bàn chân (mô phỏng những dấu chân cách mạng), vượt chướng ngại vật (chui qua vòng tròn có gắn chuông), đến vạch đích truyền mật thư cho đồng đội ghi vào bảng. Trong quá trình di chuyển, nếu đi sai những hình bàn chân, bàn tay, làm rung chuông (tức là bị lộ bí mật cách mạng), phải quay về vạch xuất phát cho bạn khác tiếp tục làm nhiệm vụ.  Sau khi truyền được mật thư (bằng cách nói thầm vào tai bạn nhận tin), lấy 1 mảnh ghép để lên ghép bức ảnh “Bếp Hoàng Cầm”. Đội nào truyền được các mật thư nhanh, chính xác, lắp ghép ảnh đúng là đội thắng cuộc.

Hoạt động “Đi tìm ẩn số”: Trên màn hình hiện lần lượt 5 ẩn số, mỗi ẩn số là 1 câu hỏi của chương trình về nhân vật, hiện vật, sự kiện lịch sử… gắn liền với Quân khu 4. Mỗi câu hỏi sẽ có các gợi ý bằng hình ảnh và dữ liệu. Sau 30 giây suy nghĩ, hai đội phải đưa ra câu trả lời. Trả lời đúng nhận được 10 điểm, trả lời sai quyền trả lời thuộc về đội bạn, nếu cả 2 đội không trả lời được, quyền trả lời thuộc về khán giả. Sau khi lật mở và trả lời hết 5 ẩn số, đội nào giành được số điểm cao hơn là đội thắng cuộc.

Hoạt động “Vượt qua tuyến lửa”: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để có thể tiếp tế được lương thực, đạn dược ra chiến trường là cả một hành trình khó khăn, gian khổ. Biết bao công sức, xương máu, hi sinh to lớn của các anh, chị dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong bằng những phương tiện khác nhau…vượt qua các trọng điểm giao thông để chi viện cho chiến trường. Ở hoạt động này, học sinh hóa thân thành các cô dân công, chú bộ đội, sử dụng quang gánh, xe đạp thồ vận chuyển lương thực (mô phỏng bởi những quả bóng bay) để khéo léo vận chuyển lương thực ra chi viện cho chiến trường miền Nam. Với thời gian quy định, đội nào vận chuyển được nhiều lương thực sẽ là đội thắng cuộc.

Trong chương trình trải nghiệm, các con còn được trải nghiệm khám phá nơi ở, nơi sinh hoạt và rèn luyện của quân nhân, học hỏi những thói quen theo tác phong quân đội của Tiểu đoàn 2 – Trường quân sự Quân Khu 4 . Nhiều NA.PPSers cho biết, đi trải nghiệm cuộc sống của các chú bộ đội các con cảm thấy mình sống thực tế và có ích hơn khi rời xa mạng xã hội, cũng như có kỷ luật hơn trong nề nếp sinh hoạt, hiểu rõ hơn về quá khứ vẻ vang, hào hùng của dân tộc, của các bậc tiền nhân đi trước đã hi sinh để bảo vệ và gìn giữ chủ quyền Tổ quốc. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, biết trân trọng, biết ơn những thế hệ cha anh, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bài viết liên quan