MỘT SỐ CÁCH ỨNG XỬ PHÙ HỢP VỚI ĐẶC ĐIỂM GIẢI PHẪU SINH LÝ CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ          

Tuổi thiếu niên – học sinh trung học cơ sở (HS THCS), từ 11 tuổi đến 14, 15 tuổi, học từ lớp 6 – lớp 9 bậc THCS là một giai đoạn phát triển của đời người, giai đoạn giữa tuổi nhi đồng (học sinh tiểu học) và tuổi thanh niên.

Thiếu niên là lứa tuổi chuyển tiếp từ thời ấu thơ sang tuổi trưởng thành (từ trẻ con lên người lớn) là giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, giai đoạn giữa độ tuổi vị thành niên.

Giai đoạn học sinh THCS có nhiều sự thay đổi về sinh lý, là cơ sở tiền đề ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, nhân cách của học sinh phức tạp, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển tâm lý của cá nhân.

1) Đặc điểm giải phẫu sinh lý ở lứa tuổi HS THCS – là tiền đề phát triển tâm lý lứa tuổi.

Cơ thể của trẻ em lứa tuổi HS THCS phát triển mạnh mẽ nhảy vọt nhưng không đồng đều, vì vậy mà cơ thể phát triển thiếu cân đối và chưa hoàn thiện, tạo ra sự mất cân bằng tạm thời về tâm – sinh lý.

– Chỉ số thể lực: Các em lớn vổng lên do chiều cao, tăng nhanh hơn trọng lượng (trung bình cao lên được 5 cm – 6 cm/ năm và từ 2,4 – 6 kg/ năm. Ở tuổi này chiều cao của các em nữ tăng nhanh hơn các em nam nhưng sau đó tăng chậm lại cho đến 18, 20 tuổi là dừng, nhưng đối với các em nam ở tuổi 15, 16 lại tăng cao đột biến và đến 24, 25 tuổi mới dừng phát triển chiều cao.

– Hệ xương cơ phát triển không đồng đều: xương ống tay, chân phát triển rất nhanh, còn xương ngón tay, ngón chân lại phát triển chậm; nên trẻ có thân hình cao mảnh, thiếu cân đối, thường bộc lộ cử chỉ vụng về, lóng ngóng, thiếu khéo léo, hay  làm việc hay làm đổ vỡ đồ vật …Điều đó gây ra ở các em tâm lý khó chịu, thiếu thoải mái nhất là khi có người lớn quan sát, đánh giá, nhận xét. Các em ý thức được sự lóng ngóng nhưng cố che dấu bằng điệu bộ khác thường, cầu kì, tỏ ra mạnh bạo, có làm ra vẻ đường hoàng kiểu cách.

– Sự phát triển hệ tuần hoàn của trẻ em tuổi HS THCS cũng không cân đối: Thể tích tim tăng rất nhanh, hoạt động mạnh mẽ hơn, nhưng kích thước mạch lại phát triển chậm, dẫn đến có rối loạn tạm thời của hệ tuần hoàn như tăng huyết áp, tim đập nhanh hay gây nhức đầu, chóng mặt, nhanh mệt mỏi khi làm việc.

– Tuyến nội tiết bắt đầu hoạt động mạnh (nhất là tuyến giáp trạng, tuyến yên), thường dẫn đến sự rối loạn của hệ thần kinh. Vì vậy mà trẻ em lứa tuổi này dễ xúc động, kiềm chế kém, dễ bực tức, nổi khùng, dẫn đến có phản ứng gay gắt, mạnh mẽ,  dễ có những cơn kích động.

– Hoạt động thần kinh của HS THCS chưa đạt đến mức độ vững vàng, thiếu cân bằng: hưng phấn mạnh hơn ức chế nên chưa có khả năng chịu đựng kích thích mạnh, đơn điệu, kéo dài. Những kích thích kiểu này thường gây cho trẻ tình trạng bị ức chế hoặc có thể bị kích động mạnh.

Phản xạ có điều kiện với những tín hiệu trực tiếp được hình thành nhanh hơn là những phản xạ có điều kiện với những tín hiệu từ ngữ. Do đó, ngôn ngữ của thiếu niên có sự thay đổi: nói chậm, ngại nói câu dài, nên thường ‘‘cộc lốc’’, ‘‘nhát gừng’’…

Điều đáng chú ý là lứa tuổi HS THCS ở thời kỳ phát dục của con người (bước vào tuổi dậy thì). Sự trưởng thành về sinh dục là hiện tượng bình thường, diễn ra theo quy luật sinh học và chịu ảnh hưởng của môi trường tự nhiên và xã hội nhưng đối với trẻ lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng phát dục này (biệu hiện các dấu) hiệu kinh nguyệt ở em gái, xuất tinh ở em trai và các dấu hiệu phụ khác của giới tính  có thể gây ra thắc mắc, lo lắng cho các em. Đây là vấn đề cần có sự chuẩn bị, cần giáo dục giới tính cẩn thận và có sự chỉ dẫn, giúp đỡ của người lớn. Sự phát dục ở em gái khoảng 13, 14 tuổi, ở các em nam khoảng 15, 16 tuổi (gần giống như kinh nghiệm xưa  đúc rút “nữ thập tam, nam thập lục”). Thời điểm phát dục sớm hay muộn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như yếu tố dân tộc, khí hậu, chế độ ăn uống, sinh hoạt, chế độ lao động, nghỉ ngơi, sức khỏe, đời sống tinh thần, điều kiện thông tin…của trẻ em.

Hiện nay, do điều kiện sống có nhiều thay đổi nên ở trẻ có sự phát triển nhanh về thể chất và phát dục sớm. Kết thúc giai đoạn phát dục thì con người có thể sinh đẻ được, tuy nhiên các em chưa trưởng thành về mặt cơ thể, chưa có kinh nghiệm nhiều, đặc biệt chưa trưởng thành về mặt xã hội để có thể trở thành người mẹ, người cha với đầy đủ tư cách của mình.

Đặc điểm sinh lý của HS THCS còn chịu ảnh hưởng của điều kiện sống như sự ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, bão từ, hạn hán, lũ lụt. Đồng thời còn có những tác động từ môi trường xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội như ma tuý, xâm phạm tình dục trẻ em…

  1. Một số cách ứng xử phù hợp với đặc điểm giải phẫu sinh lý của HS THCS

– Không trách mắng, mỉa mai, chế diễu về hình thể thiếu cân đối, tư thế hay sai lầm, cử chỉ vụng về của các em để tránh phản ứng quá mạnh của các em.

– Không tổ chức hoạt động kéo dài, quá sức; ứng xử khéo léo; giáo dục tính kiềm chế cho thiếu niên. Do trẻ còn hạn chế trong tự đánh giá, kìm hãm bản năng, ham muốn, chưa biết xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa người bạn khác giới, nên nhà giáo dục cần tế nhị khéo léo giúp trẻ hiểu đúng vấn đề, giải toả băn khoăn lo ngại, tránh can thiệp thô bạo vào quan hệ của các em, tăng cường giáo dục giới tính…

– Cần phải giúp học sinh hiểu rằng sự phát dục là một hiện tượng bình thường, diễn ra theo quy luật sinh học để các em có thể sẵn sàng đón nhận sự kiện mới mẻ này.

– Hướng dẫn các em đánh giá, biết kìm hãm và đánh giá bản năng ham muốn của mình một cách đúng đắn, xây dựng mối quan hệ lành mạnh với bạn khác giới…

– Tổ chức những hoạt động phong phú và hấp dẫn lôi cuốn các em trong cuộc sống tập thể, chuyển dịch những nhu cầu ham muốn sang những dạng tích cực hơn…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Chung (Phòng tâm lý học đường – Trường THSPNA)

 

Bài viết liên quan