MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP THIẾU NIÊN HỌC CÁCH KIỂM SOÁT SỰ TỨC GIẬN

Nhiều thiếu niên gặp khó khăn vì không thể giải tỏa cảm xúc tức giận một cách thích hợp. Tuổi thiếu niên  có thể trở nên tức giận vì những lý do khác nhau và thể hiện những cảm xúc này theo nhiều cách, nhưng tất cả đều có điểm chung là phải đấu tranh với một cảm xúc đau đớn và không biết làm thế nào để kiểm soát chúng.

          Những biểu hiện giận dữ không phù hợp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thiếu niên. Nhưng với sự giúp đỡ của cha mẹ, thầy cô hầu hết tuổi teen đều có khả năng học cách ứng phó tốt hơn. Một số biện pháp giúp thiếu niên kiểm soát sự tức giận:

  1. Hiểu sự tức giận của tuổi thiếu niên

Giận dữ là một cảm xúc đôi khi có thể khiến chúng ta choáng ngợp. Một thiếu niên không biết cách ứng phó với cảm xúc tức giận có thể cảm thấy rất muốn giải quyết nó ngay lập tức, ngay cả khi điều này khiến bản thân hay những người xung quanh gặp nguy hiểm.Ẩn sau cơn giận dữ thường là những cảm xúc khó hiểu, như là tổn thương, thất vọng hay buồn bã mà chúng cố gắng trốn tránh hay không nhận ra. Khi một thiếu niên thể hiện sự tức giận theo những cách tiêu cực, việc để chúng tiếp xúc với tình huống và học những cách thể hiện hay xả giận lành mạnh hơn thường sẽ hữu ích.

Cảm giác tức giận không phải là vấn đề phổ biến đối với hầu hết thiếu niên. Mặc dù giận dữ có thể gây ra sự khó chịu đáng kể về mặt thể chất và tinh thần, nhưng đó là phản ứng phù hợp khi bị tổn thương hay cảm thấy thất vọng và bất lực. Giận dữ là một cảm xúc chân thật và quan trọng để cá nhân trải nghiệm và nhận thức; nhưng chính việc thể hiện cảm xúc này lại là khó khăn đối với tuổi thiếu niên.

Giống như một đứa trẻ hay nổi nóng khi khó chịu hoặc không vui, một thiếu niên trải qua những cảm xúc tương tự thường cố gắng ứng phó bằng cách xả giận lên người khác hoặc đồ vật. Thiếu niên bị thúc đẩy bởi cơn tức giận có thể làm những việc như đấm lên tường, đánh nhau hay thô lỗ với người khác.

  1. Hướng dẫn thiếu niên thể hiện cơn giận một cách an toàn

Thách thức trong việc giúp đỡ thiếu niên với xu hướng bùng nổ là giữ chúng an toàn trong khi hướng dẫn chúng nhận ra và ứng phó với cơn giận. Có rất nhiều điều mà cha mẹ, thầy cô có thể làm để giúp một thiếu niên giận dữ học cách kiểm soát thành công cơn giận:

– Tham gia các hoạt động thể chất. Hầu hết  thiếu niên đều muốn vận động khi cảm thấy tức giận. Tham gia vào các môn thể thao và các bài tập thể dục khác sẽ giúp giải tỏa sự tức giận một cách thường xuyên hơn.

– Đấm bao cát. Tuổi thiếu niên cần những cách an toàn để giải tỏa cơn tức giận. Đấm bao cát, gối hoặc sử dụng gậy có đệm xốp đều hữu ích.

– Để thiếu niên có thời gian riêng tư. Khi cơn tức giận leo thang,  thiếu niên có thể cần thời gian ở một mình để bình tĩnh và la hét, khóc hay bất cứ điều gì cần thiết để chúng được an toàn và những người khác không bị ảnh hưởng tiêu cực.

– Sử dụng âm nhạc. Với hầu hết tuổi thiếu niên, âm nhạc hoạt động hiệu quả trong việc nhận biết và thể hiện cảm xúc tức giận, có thể bằng cách ca hát, nhảy múa hay chơi nhạc cụ, bao gồm các bài hát tràn đầy cơn thịnh nộ.

– Xác định các yếu tố gây ra sự tức giận. Tìm ra mối liên hệ giữa cảm xúc tức giận và lý do thực tế. Càng hiểu rõ mối liên hệ này thì con bạn càng có thể kiểm soát sự cáu giận tốt hơn.

– Thể hiện cảm xúc tức giận một cách sáng tạo. Thiếu niên có thể viết và vẽ để thể hiện và hiểu rõ sự tức giận.

Khi một thiếu niên gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơn giận của mình, đó là lúc bạn nên cân nhắc nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia để tìm ra gốc rễ của cơn giận và học cách quản lý những cảm xúc này.

Các liệu pháp diễn đạt sẽ giúp tuổi teen thể hiện sự giận dữ. Các hội nhóm về kiểm soát cơn tức giận (anger management groups) sẽ tạo cơ hội cho thiếu niên học hỏi lẫn nhau. Liệu pháp cá nhân sẽ cung cấp một nơi an toàn để khám phá cảm xúc khó khăn một cách riêng tư.

Hãy nhớ rằng sự tức giận không kiểm soát được đôi khi có liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, vì vậy hãy đảm bảo tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp cho con bạn nếu cơn giận của chúng không được cải thiện.

Ths Nguyễn Thị Kim Chung (Phòng tư vấn – tâm lý học đường Trường THSPNA)

Bài viết liên quan