Học tập hợp tác với học sinh sau đại dịch covid 19

Khi học sinh quay trở lại lớp học vào sau đại dịch, điều quan trọng là phải củng cố lại sức mạnh của học tập hợp tác. Các giáo viên đã nỗ lực để tích hợp công cụ vô giá này trong việc học tập trực tuyến, nhưng cũng cần ghi nhớ tầm quan trọng của nó trong bối cảnh năm học đang dần đi được nửa chặng đường.

Học tập hợp tác không phải là một phương thức học tập mới, nhưng chúng chưa bao giờ có giá trị như ở thời điểm hiện tại. Với việc học sinh ít có sự tiếp xúc và hợp tác với nhau do đặc thù của quá trình học tập trực tuyến, các em đã buộc phải dành thời gian học tập trên thế giới kỹ thuật số. Việc trở lại các lớp học trực tiếp mang lại cho chúng ta cơ hội triển khai việc học tập hợp tác tác nhằm tái thiết não bộ và tăng cường nhận thức về cảm xúc và xã hội của học sinh.

Đối với các học sinh, một số nguy cơ có thể thường xảy ra bao gồm việc mắc những lỗi đáng xấu hổ trước mặt cả lớp, bị thầy cô gọi khi không biết câu trả lời, lo lắng liệu tiếng Anh của mình có đủ tốt để theo kịp bài giảng hay không. Các em học sinh lớn hơn có thể lo ngại về việc bản thân quá thông minh hoặc không thông minh được như các bạn cùng lớp, hay nỗi sợ bị bạn bè tẩy chay. Những lo lắng này có thể phần nào giảm bớt thông qua các quá trình phụ thuộc lẫn nhau giữa các học sinh và hợp tác nhóm nhỏ trong lớp học.

Học tập hợp tác bao gồm những yếu tố nào?

Để có thể gọi là học tập hợp tác, thay vì các cá nhân trong nhóm làm việc song song công việc của riêng mình, học sinh cần có nhau để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Học sinh phải tham gia các nhiệm vụ được xây dựng rõ ràng và cần thiết cho sự thành công của nhóm. Mục tiêu học tập rõ ràng và phù hợp với sở thích của các em, đồng thời học sinh có kiến thức tiên quyết và biết cách tìm kiếm sự trợ giúp khi cần.

Học tập hợp tác là việc các học sinh hòa nhập vào một nhóm, nơi mỗi em cảm thấy bản thân có giá trị, xây dựng khả năng làm việc bền bỉ của bản thân, các năng lực xã hội, sự đồng cảm và kỹ năng giao tiếp. Các thành phần tương tác và phụ thuộc lẫn nhau của quá trình học tập hợp tác mang đến trải nghiệm cảm xúc và giữa các cá nhân giúp tăng cường nhận thức về cảm xúc, khả năng phán đoán, phân tích phản biện, đưa ra quan điểm linh hoạt, giải quyết vấn đề sáng tạo, đổi mới và hành động hướng tới mục tiêu.

Lập kế hoạch là điều cần thiết để phát triển các hoạt động của nhóm hợp tác, đặc biệt là trong những thời điểm căng thẳng. Khi giáo viên lập kế hoạch cho các nhóm, hãy đảm bảo cân nhắc các điểm mạnh của mỗi thành viên để mỗi thành viên đều đóng vai trò quan trọng cho sự thành công cuối cùng của hoạt động nhóm. Điều này có nghĩa là giáo viên cần thiết kế các nhóm mà tất cả những thành viên tham gia đều có kiến thức tiên quyết để tham gia nói chung cũng như các cơ hội góp phần mục tiêu của nhóm với những đóng góp của bản thân — có thể từ những kinh nghiệm độc đáo trong quá khứ, tài năng và nền tảng văn hóa của từng em. Việc lập kế hoạch này có thể tạo ra không gian mà ở đó, điểm mạnh, kỹ năng và tài năng học tập của từng cá nhân được đánh giá cao, và học sinh tỏa sáng với sở trường của mình và học hỏi lẫn nhau trong những lĩnh vực mà các em chưa biết.

Hãy cân nhắc những câu hỏi sau khi lập kế hoạch cho nhóm:

– Có thể có nhiều hơn một câu trả lời và nhiều hơn một cách để giải quyết vấn đề hay xây dựng dự án này hay không?

– Về bản chất, mục tiêu của nhóm có thú vị, thách thức và bổ ích không?

– Mỗi thành viên trong nhóm có cơ hội để đóng góp một cách có giá trị và sẽ được các thành viên khác trân trọng hay không?

– Mỗi thành viên trong nhóm có cơ hội tham gia dựa trên những điểm mạnh của bản thân hay không?

– Sự tham gia của tất cả các thành viên có đều cần thiết cho mục tiêu của nhóm hay không?

– Bạn sẽ theo dõi hoạt động của nhóm và kĩ năng, sự tiến bộ của từng cá nhân như thế nào?

– Bạn có lên kế hoạch về thời gian xuyên suốt trải nghiệm của nhóm, không chỉ ở khâu cuối, cho các quá trình nhận thức và sửa đổi, liên quan đến tiến độ mục tiêu cũng như các tương tác giữa các cá nhân của nhóm không?

Các vai trò cá nhân được chỉ định luân phiên có thể thúc đẩy sự tham gia có hiệu quả của tất cả mọi thành viên trong nhóm. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức ghi âm, ghi hình hoặc giám sát tham dự (qua đó giáo viên có thể điều chỉnh giảm bớt đối với các thành viên tham gia tích cực quá mức và động viên để các thành viên ít tham gia có cơ hội thể hiện nhiều hơn). Một số vai trò mà giáo viên có thể phân công cho học sinh bao gồm: Giám đốc sáng tạo (nếu dự án bao gồm việc tạo ra một sản phẩm như áp phích hoặc bản trình bày trên máy tính), giám đốc quản lý vật tư, kế toán và thư ký khi cần thiết. Khi các vai trò này được luân phiên trong các dự án kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, học sinh sẽ xây dựng được sự hiểu biết và kỹ năng giao tiếp và hợp tác của bản thân.

Các thành viên cũng có thể kiểm tra định kỳ với nhau trong thời gian làm việc nhóm để trả lời các câu hỏi về việc hợp tác trong hoạt động, để đơn giản, ban đầu các em có thể sử dụng một danh sách kiểm tra. Các học sinh có thể xem xét những yếu tố sau: Mọi người có đang nói chuyện được với nhau không? Chúng ta có đang lắng nghe nhau không? Có phải chúng ta đang đưa ra lý do cho ý tưởng của riêng mình và lý do tại sao chúng ta không đồng ý với quan điểm hoặc ý tưởng của các thành viên khác không? Chúng ta có thể làm gì khác hơn?

Ví dụ về các hình thức hợp tác trong các môn học khác nhau

Với môn Toán: Các nhóm hợp tác tác giải quyết các bài toán có đáp án mở, trong đó các thành viên chia sẻ các cách tiếp cận, chiến lược và giải pháp khác nhau. Học sinh mở rộng quan điểm của mình khi các em kiểm tra các phỏng đoán của nhau và xác định những giả thuyết có vẻ hợp lệ hoặc không hợp lệ. Các em cùng tham gia khám phá các kỹ thuật, phương pháp để kiểm tra lời giải của nhau.

Với môn Khoa học xã hội: Học sinh trong nhóm sử dụng các kỹ năng và sở thích cá nhân của mình để thực hiện một chiến dịch chính trị ủng hộ các ứng viên như thông qua thiết kế áp phích, phim hoạt hình chính trị, các buổi tranh luận, tiểu phẩm và các đoạn quảng cáo máy tính hoặc video. Ở một không gian nhỏ và an toàn hơn như thế này, học sinh có thể thử nghiệm các ý tưởng hoặc cùng nhau thương lượng các quy tắc vận động, tranh luận và cho điểm các cuộc tranh luận.

Với môn Khoa học: Học sinh chọn một câu hỏi mà các em muốn đánh giá về sự tuyệt chủng của khủng long (ví dụ: sự va chạm với tiểu hành tinh, việc phải nỗ lực kiếm ăn quá mức). Các em sẽ chọn tham gia vào một nhóm với các học sinh khác cùng giả thuyết thuyết yêu thích của họ. Tất cả các thành viên đọc văn bản hoặc bài báo hoặc xem video về lý thuyết tuyệt chủng của loài khủng long mà các em đã chọn. Sau đó, thông qua chiến lược “tiệc trà”, tiệc bài hoặc ghép hình, các nhóm sẽ được phân tán và các thành viên được điều phối tham gia vào các nhóm mới với tư cách là chuyên gia về giả thuyết mà các em chọn. Sau đó, học sinh xây dựng và thực hiện các kế hoạch để đánh giá lý thuyết mà nhóm sẽ ủng hộ, lý do tại sao và chúng sẽ thể hiện tính hợp lý của kết luận như thế nào.

Kết quả của học tập hợp tác

Khi học sinh có nhiều trải nghiệm tích cực hơn trong các nhóm nhỏ của mình, các em trở nên thoải mái hơn khi tham gia và chấp nhận rủi ro trong các hoạt động học tập (sẵn sàng chấp nhận rủi ro bản thân bị sai, đưa ra đề xuất, bảo vệ ý kiến của mình, v.v…).

Do giáo viên không thể có trải nghiệm trực tiếp với tất cả các học sinh thường xuyên suốt cả ngày, các nhóm hợp tác có thể giảm bớt sự phụ thuộc của học sinh vào giáo viên để được hướng dẫn, quản lý hành vi và phản hồi về tiến độ (thay vào đó các em có thể có được điều này từ các bạn cùng nhóm).

Bản chất phụ thuộc lẫn nhau của các thành viên nhóm hợp tác làm tăng độ nhạy cảm về mặt cảm xúc và kỹ năng giao tiếp của học sinh. Việc lập kế hoạch học tập hợp tác cho phép chuyển giao trách nhiệm ra quyết định và giải quyết xung đột cho học sinh. Trong một thời điểm có nhiều biến động và khó lường như đại dịch hiện nay, thật đáng yên tâm nếu các em học sinh có được những trải nghiệm hỗ trợ và phát triển nhờ vào việc thực hiện các hoạt động học tập hợp tác được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Vân An dịch

Nguồn:

Judy Willis (2021). How Cooperative Learning Can Benefit Students This Year. Edutopia.