Có thể nói rằng: “Một lời bất cẩn có thể gây bất hòa. Một lời độc ác có thể làm hỏng cả cuộc đời. Một lời đúng lúc có thể làm giảm căng thẳng. Một lời yêu thương có thể đem lại hạnh phúc.”
Câu nói đó đã cho thấy sức mạnh vô hình của một lời nói đối với cuộc đời một người. Trong nghề dạy học, một lời nói, một cử chỉ, một hành động của giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến một người mà thậm chí còn quyết định tương lai của cả một thế hệ học sinh.
Không điều gì có thể thay thế được một người giáo viên tốt. Nhưng không phải em học sinh nào cũng có trải nghiệm được học tập, dìu dắt, hướng dẫn bởi những giáo viên tốt trong suốt những năm đến trường của mình. Trừng phạt thân thể và những hình thức kỷ luật khác như xâm hại bằng lời nói vẫn là một trải nghiệm thường xuyên ở trường học đối với nhiều trẻ em ở Việt Nam.
Kỷ luật tích cực (KLTC) đã và đang là một trong những phương pháp giáo dục tiến bộ được biết đến và đón chào tại nhiều nước trên thế giới. Song, tại Việt Nam, KLTC đã được Bộ Giáo dục và các tổ chức như UNICEF, Tầm nhìn Thế Giới Việt Nam nhấn mạnh áp dụng trong trường lớp nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Do không phải trường lớp nào cũng triệt để áp dụng KLTC, không phải giáo viên nào cũng có thể hiểu rõ về KLTC, cách vận dụng hàng ngày trong môi trường giáo dục và những lợi ích mà KLTC có thể mang lại cho học sinh cũng như bản thân thầy cô.
Nhằm hỗ trợ giáo viên, nhân viên nhà trường trong việc quản lý học sinh, áp dụng KLTC vào thực tiễn dạy và học, phục vụ cho công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, Trường THSPNA Tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giáo dục kỷ luật tích cực ở Trường THSPNA”.
Tham dự Hội nghị có P.HT Trường CĐSPNA, TS Đàm Thị Ngọc Ngà, các giảng viên Tổ bộ môn Tâm lý (Khoa Lý luận chính trị, cùng toàn thể GV tham gia giảng dạy trực tiếp ở trường THSPNA.
Trước đó, để chuẩn bị tốt và đảm bảo tính hiệu quả cho chương trình, Nhà trường đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến học sinh, giáo viên trong toàn trường. Việc khảo sát được thực hiện kín các thông tin về người trả lời với nhiều nội dung khác nhau như lấy ý kiến về các hoạt động chung của nhà trường, các hoạt động giáo dục, việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, ứng xử của giáo viên khi lên lớp, ứng xử thái độ của học sinh trong lớp học, trong sinh hoạt chung và các hoạt động giáo dục khác.
Chương trình hội nghị diễn ra với nhiều hoạt động trải nghiệm giáo dục kỷ luật tích cực như: Thầy cô đóng vai học sinh, thử thách nói lời quát nạt học sinh, thử thách nói lời yêu thương, các tình huống tâm lý, tư vấn và trả lời giải đáp các câu hỏi đến từ phía giáo viên.
KLTC được giáo viên áp dụng tại trường học sẽ tạo ra môi trường giáo dục tích cực, an toàn, có thể giúp các em học sinh yên tâm học tập và bứt phá để phát triển bản thân. KLTC có thể giúp bản thân trẻ nhận ra hành vi sai và chủ động sửa bằng hành vi đúng đắn hơn. Đồng thời, các phương pháp KLTC giúp các em học sinh hoà đồng với bạn bè, biết kiểm soát chính mình, biết phân biệt đúng sai, khuyến khích sự sáng tạo và nhiệt tình của các em. Quan trọng hơn, các biện pháp KLTC giúp học sinh cảm thấy an toàn tại trường lớp, vì thế các em có điều kiện thể hiện bản thân mình trong học tập và các phong trào đoàn thể.
Việc chấp nhận và áp dụng các biện pháp KLTC sẽ giúp thầy cô duy trì được một môi trường lớp học tích cực, hỗ trợ hiệu quả hơn cho việc giảng dạy và quản lý học sinh. Khi có trường hợp học sinh cá biệt, giáo viên cần làm việc riêng với phụ huynh và học sinh đó để có thể trao đổi trực tiếp, thẳng thắn về các phương pháp KLTC tiềm năng. Một trong những lí do áp dụng KLTC chính là mong muốn giúp học sinh có thể rèn luyện và học hỏi các hành vi đúng mực, tích cực phù hợp với trường lớp, ngay tại chính gia đình của các em hoặc bất kỳ nơi nào khác.